Bồ tát đạo
Bồ tát đạo

Bồ tát đạo

@Botatdao
Bồ tát đạo  đã thêm ảnh mới vào Pháp thân Phật
4 n

ĐỨC PHẬT DẠY CON NGƯỜI LÀ CHỦ NHÂN ÔNG CỦA CHÍNH MÌNH
Đức Phật phủ nhận sự hiện hữu của một đấng tạo hóa toàn quyền sinh sát, Ngài cũng không nhìn nhận một Atman bất tử và bác bỏ quan niệm trí tuệ con người có được là nhờ Thượng đế mặc khải qua Atman. Theo Ngài, những quan niệm nói trên làm hạn chế sự phát triển nhận thức và khả năng của con người. Đức Phật dạy rằng con người là chủ nhân ông của chính mình và con người đứng đầu trong các loài, vì con người mới có điều kiện để tự giải thoát cho mình và cho người ra khỏi trầm luân sanh tử. Ngài cũng chủ trương mọi người đều bình đẳng tuyệt đối khi nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ.
Chính Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời này, mang thân tứ đại như chúng ta và Ngài tu hành, chứng đắc Vô thượng giác, hoằng hóa độ sanh, lợi lạc cho người. Những thành quả siêu việt của Ngài trong việc tu tập, chứng quả Vô thượng Bồ đề và mang lại lợi ích cho đời, đã nói lên sức mạnh của trí tuệ mà Đức Phật là người đầu tiên biết khai thác, sử dụng trọn vẹn. Thật vậy, với ánh sáng trí tuệ ở cội Bồ đề, Đức Phật đã phá trừ được vô minh tà kiến, chi phối hoàn toàn nội giới và ngoại giới. Đức Phật cho biết không phải chỉ có Ngài là người duy nhất có khả năng thành Phật. Theo Ngài, ai cũng bình đẳng trước chân lý, nên mỗi người là một vị Phật sẽ thành, nếu biết vận dụng trí tuệ để nắm được quy luật chi phối con người và vũ trụ.

Chính vì muốn giúp mọi người rời bỏ sự mê lầm khổ đau, Đức Phật hiện thân trên cuộc đời, chỉ dạy phương pháp khai thác tiềm năng thành Phật sẵn có của con người. Bằng trí sáng suốt vẹn toàn, Ngài thấy rõ quy luật khách quan chi phối con người và xã hội, từ đó đưa ra những lời chỉ giáo đúng đắn, hợp tình hợp lý, được nhiều người chấp nhận, tuân theo. Vì thế, trong suốt bốn mươi chín năm Đức Phật hoằng hóa độ sanh, mọi tầng lớp xã hội đã đến với Ngài. Từ vua chúa quyền uy đến những người trí thức hay giới thương gia, công nhân, thợ thuyền, ai cũng tìm được cách sống an lạc, ứng dụng được lời Phật dạy trong cuộc sống, từng bước tiếp cận chân lý, thể hiện mẫu người trí thức và đạo đức kiểu mẫu trong xã hội.

( Trích Bài thuyết pháp : Ý nghĩa Phật Đản PL. 2542 - 1998 Sách Tư tưởng phật Giáo 2 của Trưởng lão Hòa thượng Thích trí Quảng )

image

TRI TÚC ĐỆ NHẤT PHÚ
Giàu có là ước vọng chính đáng của con người như cha ông ta đã đúc kết và là hoạt động chỉ trong xã hội loài người mới có. Có thể hiểu giàu là có nhiều tiền của, có nhiều hơn mức bình thường. Đức Phật khuyến khích Phật tử gây dựng cơ nghiệp để xã hội phát triển nhưng không lấy tiền của, vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá: “Vô bệnh đệ nhất lợi. Tri túc đệ nhất phú. Sân hận đệ nhất độc. Niết bàn đệ nhất lạc” (Không bệnh lợi nhất. Biết đủ giàu nhất. Sân hận hại nhất. Niết bàn vui nhất).
Nhìn chung, con người sống trong cuộc đời, dẫu làm bất cứ việc gì, mục đích cuối cùng của họ cũng không ngoài việc kiếm tiền. Tích lũy và phát triển tài sản, làm giàu lương thiện là điều tốt song khá nhiều người cuồng tín vào ma lực của đồng tiền. Họ quay cuồng trong đời sống vật chất với bao khát vọng, tham muốn không cùng. Tiền bạc, của cải được xem là phần quan trọng không thể thiếu, gắn liền với sinh mạng con người. Có tiền mới có được những giá trị vật chất khác, mà nhu cầu vật chất là căn bản, nhất là khi nó được đặt lên trên những nhu cầu khác thì không có tiền bạc bị xem như không có gì cả.
Mặt khác, tạo dựng tài sản hợp pháp vốn dĩ rất khó khăn nhưng để giữ vững nó lại càng khó khăn hơn. Bởi thế, không ít người sau một đêm thức dậy chợt trắng tay, luôn nơm nớp lo sợ “Một sớm mai kia, chợt thấy hư vô trong đời”.
Với tuệ giác của Đức Thế Tôn thì giàu có, sở hữu nhiều tài sản hợp pháp là phúc báo. Tuy nhiên, tự thân các tài sản này không mang thuộc tính bền vững (bất động) mà cực kỳ mong manh, luôn biến động và bị chi phối, xâu xé bởi: lụt lội, hỏa hoạn, nhà nước tịch thu, trộm cắp, con cái hư hỏng và sự phá hoại của các thế lực thù địch. Vì vậy, Đức Thế Tôn giới thiệu một phương thức tích lũy tài sản khác, bền vững, tuyệt đối ổn định và bất động. Ai sống ở trên đời tạo dựng được Thất thánh tài mới là bậc đại phú, kẻ giàu có nhất trong thế gian, kể cả cõi trời.
Có thất thánh tài là có tất cả
Tại sao Đức Phật nói có được bảy thứ tài sản đó là có tất cả mọi thứ tài sản khác trên đời (không nghèo khổ)? Thứ nhất, về phương diện đời sống tâm linh: khi có đầy đủ tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ thì thấy thân mình và mọi thứ tài sản khác đều phù du, tạm bợ, từ đó không tham ái và chấp thủ, vô cầu, vô dục, nhờ đó tâm an ổn, không lo lắng, sầu muộn, khổ não, không bị đời sống vật chất làm bận tâm. Cũng như lời kinh Bát đại nhân giác nói: “Muốn ít, vô vi thì thân tâm được tự tại”.
Thứ hai, về phương diện nhân quả: Nhờ có tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ mà chúng ta không tạo tác các nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau, biết chọn lựa pháp lành để tạo, chọn lựa những nhân duyên tốt đưa đến an vui hạnh phúc cho hiện tại và tương lai, đời này và đời sau. Nhờ biết cúng dường, bố thí, cung kính, phụng sự các bậc tôn trưởng (các bậc thánh hiền, cha mẹ, thầy tổ…), làm lợi ích cho chúng sinh (có thí tài) mà được sinh ra trong hoàn cảnh tốt, mang thân phận cao sang quyền quý. Nhờ siêng năng tinh tấn tu học, trau giồi phẩm hạnh, đạo đức, phát triển trí tuệ (có văn tài, giới tài, tuệ tài) mà hiện đời và tương lai những đời sau sinh ra làm người tài đức vẹn toàn có ích cho xã hội. Nhờ có đạo đức (giới tài), biết liêm sỉ (tàm tài, quý tài), luôn hướng đến những điều tốt đẹp, chân chính, thiện mỹ mà nhân cách cao đẹp được mọi người kính trọng, yêu quý. Đó chính là có bảy tài sản của bậc Thánh.
Do vậy, ngoài việc tạo dựng tài sản thế gian hợp pháp, người con Phật phải nỗ lực tạo dựng và tích lũy bảy loại tài sản xuất thế gian của bậc Thánh. Phát triển niềm tin, trau giồi giới hạnh, biết hổ thẹn với người ngoài, hổ thẹn với chính mình, học tập Chính pháp, thực hành bố thí, phát huy tuệ giác là bảy tài sản cố định vô cùng quý giá, đảm bảo cho một người giàu có đến vô tận, trong đời này và những đời sau.
____________
(*) Đại tạng kinh Việt Nam
( Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
(Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya"
HT. Thích Quảng Tánh
Nguồn: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo)

image
Bồ tát đạo  đã thêm ảnh mới vào Bồ tát đạo
4 n

PHẬT DẠY VỀ BẢY LOẠI BẤT ĐỘNG SẢN .
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, khu vườn ông Anàthapindika. Bấy giờ Ugga, vị đại thần của vua đi đến Thế Tôn, sau khi đỉnh lẽ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Giàu có đến như vậy, đại phú đến như vậy, tài sản nhiều đến như vậy, bạch Thế Tôn, là Migàra Rohaneyyo!
- Này Ugga, Migàra Rohaneyyo giàu có đến mức nào, đại phú đến mức nào, tài sản nhiều đến mức nào?
- Bạch Thế Tôn, về vàng có đến trăm trăm ngàn, còn nói chi về bạc!
- Này Ugga, đây có thể là tài sản chăng? Không phải Ta nói rằng đây không phải là tài sản. Nhưng tài sản ấy bị chi phối bởi lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch.
Này Ugga, có bảy tài sản không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Thế nào là bảy? Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài và tuệ tài. Bảy loại tài sản này, này Ugga, không bị lửa, nước, vua chúa, ăn trộm, các kẻ thừa tự, thù địch chi phối. Ai có tài sản này, người ấy là đại phú, thiên nhân giới khó thắng.
Ở đây, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng vào sự giác ngộ của Như Lai, gọi là tín tài. Vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, say sưa, gọi là giới tài.
Vị Thánh đệ tử có xấu hổ đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là tàm tài; có sợ hãi đối với thân, miệng, ý làm ác, gọi là quý tài. Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, giữ gìn những gì đã nghe, đề cao đời sống phạm hạnh, đọc tụng nhiều lần, chuyên tâm quán sát, thành tựu chính kiến, gọi là văn tài; tâm từ bỏ xan tham, ưa thích xả ly, san sẻ vật bố thí, gọi là thí tài; có trí tuệ về sinh diệt, thành tựu Thánh thể nhập, đưa đến chân chính đoạn diệt khổ đau, gọi là tuệ tài. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bảy tài sản, ai có được những tài sản này được gọi là không nghèo khổ.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương Bảy pháp, phẩm Tài sản, phần Ugga, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.283)

image