MAKE IN VIETNAM, HIỂU CHO ĐÚNG

Mấy ngày gần đây khái niệm “Make In Vietnam” đang gây bão trên cả báo chính thống lẫn mạng xã hội.

Rất nhiều người hiểu “Make In Vietnam” theo nghĩa là chúng ta không những chỉ sản xuất tại Việt Nam mà chúng ta còn chủ động, sáng tạo, thiết kế, sản xuất sản phẩm tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu.

Đấy là một khát vọng, một mong ước lâu nay của người Việt. Thế nhưng làm cách nào để khát vọng đó, mong ước đó trở thành hiện thực? Nếu chúng ta không có các hành động cụ thể và đúng đắn thì Make In Vietnam cũng chỉ là câu Slogan, chỉ là câu khẩu hiệu.

Make In chính là sáng kiến của Ấn Độ từ giữa năm 2014. Tìm hiểu chương trình Make In India tôi mới giật mình hoá ra chúng ta hiểu chưa đúng bản chất của chương trình Make In India. Chính phủ Ấn Độ không nói nhiều đến phải sáng tạo, phải thiết kế, phải sản xuất tại Ấn Độ mà tập trung mọi nỗ lực để tạo ra các qui trình mới, các cơ sở hạ tầng mới, các tư duy mới, xác định các ngành - lĩnh vực mới trong sản xuất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Như vậy đối với chính phủ Make In chính là thay đổi tư duy, thay đổi qui trình, tạo ra các cơ sở hạ tầng mới, xác định các lĩnh vực mới trong sản xuất được ưu tiên. Mục tiêu và chương trình hành động của chính phủ Ấn Độ trong chương trình Make In India bao gồm 4 trụ cột chính sau:

1. Biến Ấn Độ trở thành một quốc gia “dễ dàng kinh doanh”, đầu tiên là huỷ bớt các giấy phép, tiếp theo là chính phủ không can thiệp vào quá trình sản xuất vòng đời của sản phẩm.

2. Thay vì là cơ quan quản lý nhà nước, chính phủ Ấn Độ trở thành người hỗ trợ, hợp tác và phục vụ doanh nghiệp trong việc sản xuất sản phẩm, trong việc phát triển kinh tế của đất nước.

3. Chính phủ cần tạo ra một hạ tầng hiện đại và thuận tiện với sự phát triển của công nghiệp sản xuất, từ hạ tầng truyền thômg tốc độ cao, cơ sở hạ tầng trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, thành phố thông minh, các phát minh sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, nguồn nhân lực chất lượng...

4. Các ngành - lĩnh vực mới: Chính phủ Ấn Độ xác định 25 lĩnh vực trong hoạt động sản xuất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào đường sắt và sản xuất quốc phòng.

Chính phủ Ấn Độ chỉ tập trung làm tốt 4 trụ cột trên, còn việc sáng tạo, thiết kế, sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ là việc của các doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp FDI.

Trong một khoảng thời gian ngắn, các khuôn khổ, các qui trình lỗi thời và tắc nghẽn, cản trở, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá khứ đã bị dỡ bỏ và thay thế bằng một hệ thống minh bạch và thân thiện với người dùng, giúp thúc đẩy đầu tư, thúc đẩy đổi mới, phát triển kỹ năng, bảo vệ sở hữu trí tuệ và xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất tốt nhất.

Chính vì vậy mà uy tín của Ấn Độ trên thế giới được nâng cao hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp FDI có động lực, có năng lượng và sự lạc quan, tập trung nỗ lực vào mục tiêu Make In India. Kết quả là Ấn Độ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế 7.4% đến 8.2%, cao thứ 5 thế giới, cao hơn cả Trung Quốc, Việt Nam.

Vì vậy tôi cho rằng để Make In Vietnam không chỉ là Slogan, không chỉ là câu khẩu hiệu thì chính phủ đừng tập trung nhiều quá, đừng nhắc nhiều việc sáng tạo, thiết kế, sản xuất ở Việt Nam, mà hãy tập trung đổi mới tư duy, đổi mới qui trình, cắt bớt các giấy phép, các qui trình đang cản trở, đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng mới hiện đại và có chính sách ưu tiên các ngành công nghiệp mới.
---------------------------------------------------
Nguồn: Caobao Do

image