Nỗi khiếp sợ mang tên trùng tang và chuyện về ngôi chùa “nhốt vong” lớn nhất Việt Nam

“Nhốt trùng” – liệu có phải mê tín dị đoan?

Thực tế thì chưa có giải thích khoa học chính thống nào về trùng tang và khả năng nhốt vong mà đó chỉ là quan niệm dựa trên những đúc kết của dân gian. Lý thuyết thì trùng tang phải là 3 năm liền xảy ra liên tiếp những cái chết mới được coi là trùng tang. Tuy nhiên do nỗi lo sợ của người dân nên cứ thấy gia tộc có nhiều người chết trong thời gian ngắn thì họ coi đó là trùng tang.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khoa học, có nhà khoa học thì cho rằng việc gia đình, dòng họ có nhiều người cùng mất trong một thời gian ngắn là do cơ chế cộng hưởng sóng điện từ và trường năng lượng mang tính chất huyết thống, dòng họ; có người thì cho rằng trùng tang đơn giản chỉ là sự trùng hợp mang tính ngẫu nhiên. Dù chưa có giải thích nào được chứng minh rõ ràng theo kiểu “mắt thấy, tai nghe” nhưng rõ ràng trùng tang chỉ là một quan niệm “siêu thực” tồn tại trong tín ngưỡng, thế giới tâm linh của con người. Nó càng trở nên đáng sợ khi con người luôn luôn lo lắng về sinh mạng của mình, bởi “sinh có hẹn, tử bất kỳ”, người ta luôn muốn giải tỏa những lo lắng ấy bằng những niềm tin tâm linh.

Thật ra ngay cả trong Phật giáo cũng chưa có quan niệm về trùng tang. Hòa thượng Thích Thanh Điệp cho hay, Phật giáo quan niệm sống chết là chuyện thường niên, do nghiệp lực của tự thân mỗi người chi phối. Sống và chết chỉ là hai hiện tượng trong tiến trình luân hồi bất tận. Nghiệp tuy có chung và riêng song nghiệp riêng vẫn giữ vai trò chủ động, quyết định, có tính cách độc lập, không ai có thể thay thế cho ai. Vì thế trong Phật giáo không có tài liệu nào nói về việc ngày giờ mất cũng như chôn cất của một người mà có thể ảnh hưởng đến sự sống chết của người khác.

Nói về việc “nhốt trùng” của nhà chùa, Hòa thượng cho hay, nhà chùa không khuyến khích mê tín dị đoan, tuy nhiên vì tín ngưỡng của chúng sinh nhà chùa nhận làm để an ủi tâm linh, giúp chúng sinh an tâm về tâm lý. Tuy nhiên có một điều lạ là rất nhiều trường hợp bị “vong nhập” khi đến chùa được nhà chùa làm lễ, tụng kinh thì họ trở lại bình thường. Có trường hợp người con dâu được cho là bị ông nội nhà chồng nhập vào, tự nhiên đổi giọng nói, chỉ tay vào mặt gọi bố chồng bằng con, quát mắng đủ thứ. Khi đến chùa làm lễ thì chị ta tỉnh lại và không nhớ sự việc trước đó. Hoặc cũng có người được cho là bị “vong hành”, gia đình phải trói tay chân chở ô tô đến chùa làm lễ một lúc thì người này cũng bình thường trở lại. Đây là điều mà chính nhà chùa cũng chưa có lý giải thỏa đáng chỉ biết rằng có thể do tâm lý của họ được cân bằng trở lại khi đến chùa nên các hiện tượng bất thường không còn nữa.

image